Khi doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh thì đó là lúc doanh nghiệp được phép hoạt động. Tuy nhiên, vẫn có một số công việc các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện sau khi thành lập. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tránh gặp rắc rối pháp luật và hoạt động trơn trụ. Vậy doanh nghiệp mới thành lập cần phải làm gì ? Hãy cùng Kế toán ATS tìm hiểu những công việc mà doanh nghiệp mới thành lập cần thực hiện. Cùng với đó là những lưu ý khi thực hiện các công việc
Doanh nghiệp mới thành lập cần làm gì
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Việc thông báo và nộp phí phải thực hiện trong vòng 30 ngày. Thời gian bắt đầu tính từ lúc được cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/
Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập. Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, những thay đổi tương ứng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng
Hiện nay, những tài khoản ngân hàng là điều không thể thiếu trong bất kì doanh nghiệp nào. Việc có tài khoản ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo sự minh bạch về tài chính. Đặc biệt trong việc nộp thuế hay thực hiện các giao dịch kinh doanh. Ngoài ra, những giao dịch từ 20 triệu trở lên sẽ phải thực hiện giao dịch bằng chuyển khoản. Chính vì thế mà bất kì doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện mở tài khoản ngân hàng.
Sau khi mở tài khoản, doanh nghiệp phải thông báo lên Sở Kế hoạch và Đầu tư trong 10 ngày. Từ đó sở nắm thông tin, quản lý và kiểm soát các giao dịch.
Mỗi một tài khoản sẽ chỉ được dùng cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên 1 doanh nghiệp có thể có nhiều tài khoản ngân hàng. Điều này tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp. Hoặc các ưu đãi, dịch vụ của ngân hàng mà doanh nghiệp đăng ký.
Khắc dấu và thông báo mẫu dấu
Doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương. Tại đây doanh nghiệp liên hệ nhân viên khắc dấu và đăng ký mẫu dấu. Con dấu chỉ hợp lệ khi đã được công bố trên Cổng thông tin đăng ký quốc gia. Khi con dấu đã hợp lệ doanh nghiệp mới có thể sử dụng.
Theo Luật mới nhất quy định: Hình thức và số lượng con dấu sẽ do Doanh nghiệp lựa chọn. Lúc này doanh nghiệp có thể khắc nhiều mẫu dấu để tham khảo. Sau đó tự quyết định và lựa chọn hình thức mẫu dấu.
Đăng ký thuế lần đầu
Hiện nay, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp các thông tin đăng ký thuế ban đầu trong tờ khai đăng ký. Việc cung cấp sẽ thực hiện ở Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Lúc này doanh nghiệp không phải thực hiện đăng ký thuế ban đầu trực tiếp với cơ quan thuế nữa.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Từ đó doanh nghiệp nộp một số giấy tờ khai thuế ban đầu để được xác nhận. Việc thực hiện sẽ được làm khi đã nhận Giấy phép kinh doanh. Đồng thời mẫu con dấu đã được doanh nghiệp thông báo trước đó.
Lựa chọn phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Khi mới thành lập, phương pháp tính thuế GTGT có tác động đối với việc kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này sẽ ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và khách hàng. Phương pháp tính thuế sẽ tác động đến lượng thuế doanh nghiệp phải nộp. Đối với khách hàng là việc chi trả hóa đơn cho sản phẩm của doanh nghiệp. Theo Điều 9 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, có 02 phương pháp chính để tính thuế GTGT. Đó là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính trực tiếp trên doanh thu.
Doanh nghiệp mới thành lập có thể căn cứ vào đối tượng khách hàng. Từ đó doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp. Ngoài ra, cần phải tính toán thêm các yếu tố khác. Ví dụ như phương pháp nào thì đóng thuế nhiều hơn, thuận tiện hơn, thể hiện uy tín thương hiệu tốt hơn, …
Mua chữ ký số
Chữ ký số hiểu đơn giản là chữ ký của doanh nghiệp dưới dạng một thanh USB. Chữ ký này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh và giao dịch trên mạng. Loại này sẽ tương tự như chữ ký và con dấu ngoài đời của người đại diện cho công ty.
Theo những thông tin mới nhất, các doanh nghiệp mới thành lập được trang bị đầy đủ thiết bị điện tử phải thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế theo phương thức điện tử bằng chữ ký số. Thủ tục này trước hết bao gồm quyết định bổ nhiệm cán bộ kế toán, kế toán, giám đốc. Sau đó đăng ký hình thức kế toán, sử dụng hóa đơn, đề xuất phương pháp tính thuế GTGT.
Khi mua chữ ký số các bạn nên chọn những đơn vị uy tín như: FastCA, Viettel, VNPT, FPT,… Những đơn vị sẽ có chi phí đăng ký khá cao nhưng bù lại chất lượng luôn đảm bảo. Ngoài ra những dịch vụ hậu mãi và hỗ trợ luôn nhanh chóng và chính xác.
Khai, nộp lệ phí môn bài
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
- Doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh: Thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh: Các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.
Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh. Thời hạn khai là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh trong vòng 30 ngày phải khai lệ phí môn bài. Thời gian tính kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Treo biển hiệu tại doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp mới thành lập cần được viết hoặc treo tại trụ sở giao dịch chính. Hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
Biển hiệu có thể được thiết kế theo hình dạng ngang hoặc dọc. Trong đó bao gồm các giới hạn về kích thước sau đây:
- Đối với biển hiệu ngang: chiều cao không được vượt quá 2m. Chiều dài cũng không được lớn hơn chiều ngang của mặt tiền toà nhà.
- Đối với biển hiệu dọc: chiều ngang không được vượt quá 1m. Chiều cao không quá 4m và phải nhỏ hơn chiều cao của tầng nơi biển hiệu được đặt.
Ngoài ra, các lối thoát hiểm và cứu hỏa phải được để mở và không bị biển hiệu che khuất. Không được lấn chiếm vỉa hè hay lòng đường, không ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Các doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt từ 10 đến 15 triệu đồng nếu vi phạm quy định. Trong trường hợp nghiêm trọng mã số thuế sẽ bị khóa theo Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Đăng ký mua và Phát hành hóa đơn điện tử
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, 100% doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Vì vậy, nếu không chuyển dữ liệu điện tử cho cơ quan thuế hoặc chuyển dữ liệu muộn hơn so với thời hạn quy định thì có thể bị xử phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng. Áp dụng việc xử phạt căn cứ theo Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Tổ chức bộ máy kế toán
Căn cứ Điều 1 và Điều 2 của Luật kế toán 2015, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm hoặc thuê đơn vị hành nghề để thực hiện ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các chứng từ, sổ sách kế toán; nộp các loại báo cáo thuế, quyết toán thuế, theo đúng chuẩn mực, chế độ kế toán. Trong trường hợp không bổ nhiệm kế toán trưởng công ty có thể bị phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng (theo Điều 17 Nghị định 41/2018/NĐ-CP).
Rất nhiều công ty mới thành lập thường bỏ qua hoặc không thực sự chú tâm đến công tác này. Từ đó dẫn đến nhiều sai sót và lỗ hổng trong hệ thống sổ sách kế toán. Khi thực hiện thanh tra thuế thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.
Do vậy, tìm kiếm và bổ nhiệm kế toán doanh nghiệp cần phải chú trọng. Từ đó hạn chế những rủi ro về tài chính trong quá trình hoạt động.
Những lưu ý cho doanh nghiệp mới thành lập cần làm gì
Một số lưu ý khác đối với công ty mới thành lập như sau:
Báo cáo tình hình sử dụng lao động:
- Doanh nghiệp cần thường xuyên báo cáo về việc sử dụng lao động cho Phòng Lao động thương binh xã hội theo chu kỳ 6 tháng và hàng năm.
- Việc lập sổ quản lý lao động cần được hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoạt động của công ty.
- Đặc biệt, việc xây dựng thang lương và bảng lương cũng là một bước quan trọng để quản lý hiệu quả nguồn lực lao động.
Bảo hiểm xã hội:
- Công ty cần đảm bảo đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên khi họ ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.
- Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cần được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Từ đó đảm bảo quyền lợi và an sinh xã hội cho nhân viên.
Liên đoàn lao động:
- Sau khi tham gia và nộp tiền bảo hiểm xã hội, công ty cần liên hệ với Liên đoàn lao động tại địa phương để nộp tiền Kinh phí công đoàn, đóng góp vào các hoạt động cộng đồng và phát triển lao động.
Hoàn thiện góp vốn:
- Doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ cam kết về góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy phép kinh doanh.
- Trong trường hợp có phát sinh bất khả kháng, cần thực hiện thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định pháp luật.
Xem thêm:
Trên đây là một số thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi doanh nghiệp mới thành lập cần phải làm gì? Hy vọng bài viết trên thật sự hữu ích với những doanh nghiệp vừa mới hoặc chuẩn bị thành lập. Để được tư vấn cụ thể, hãy liên hệ Kế toán ATS theo thông tin bên dưới
Công ty TNHH Đào tạo và Dịch vụ Kế toán ATS
Hotline: 0799.233.886
Fanpage: Dịch vụ kế toán thuế – ATS
Website: Kế toán ATS
Email: infor.congtyats@gmail.com