Quyết toán thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) là một nghĩa vụ pháp lý quan trọng mà các doanh nghiệp phải tuân thủ. Để tránh những rủi ro không mong muốn, việc nắm rõ và tuân thủ thời hạn quyết toán thuế TNDN là rất cần thiết. Doanh nghiệp cần luôn theo dõi cẩn thận các mốc thời gian quy định để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật và tránh các khoản phạt không đáng có. Cùng Kế Toán ATS tìm hiểu chi tiết thời hạn nộp quyết toán thuế TNDN trong bài viết này!
Khi nào là thời hạn quyết toán thuế TNDN?
Theo Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn quyết toán thuế TNDN là chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ ba kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính của doanh nghiệp.
Ví dụ: Năm tài chính của doanh nghiệp kết thúc vào ngày 31/12, thì thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN là ngày 31/3 của năm tiếp theo. Nếu năm tài chính của doanh nghiệp kết thúc vào ngày 30/6, hạn cuối để nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN là ngày 30/9 của năm đó.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp thời hạn nộp thay đổi. Ví dụ, vào năm 2024, ngày 31/03 lại rơi vào ngày nghỉ chủ nhật, nên ngày quyết toán thuế TNDN năm 2024 là 01/04/2024.
Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Bên cạnh thời hạn quyết toán thuế TNDN, đây cũng là nội dung nhiều người quan tâm. Hồ sơ này được quy định trong Thông tư 80/2021 của Bộ Tài Chính, áp dụng với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp doanh thu, chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến các phụ lục ban kèm Thông tư 80 này. Ví dụ như Phụ lục 03-1A/TNDN về kết quả hoạt động kinh doanh (với ngành sản xuất thương mại dịch vụ), Phụ lục 03-2/TNDN (chuyển lỗ khi có lãi), các Phụ lục ưu đãi thuế,…
Hồ sơ quyết toán thuế TNDN theo Thông tư 80 bao gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu 03/TNDN.
- Báo cáo tài chính năm quyết toán hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp chia, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình hay chấm dứt hoạt động.
- Bảng cân đối tài khoản, sổ chi tiết các tài khoản liên quan đến thu nhập, chi phí, tài sản và nợ phải trả.
Việc chuẩn bị đầy đủ và chính xác các tài liệu này là rất quan trọng để doanh nghiệp có thể quyết toán thuế TNDN một cách minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN chuẩn nhất
Biểu mẫu 03/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC, cũng dành cho doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp doanh thu, chi phí. Mẫu này có những thông tin cơ bản như sau:
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của đại lý thuế (nếu có)
- Kỳ tính thuế theo ngày, tháng năm
- Kết quả kinh doanh theo báo cáo tài chính
- Xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp
- Điều chỉnh tăng lợi nhuận trước thuế thu nhập của doanh nghiệp
- Điều chỉnh tăng lợi nhuận trước thuế thu nhập của doanh nghiệp
- Tính tổng thu nhập chịu thuế
- Tính số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp
Xử lý lỗ thế nào sau khi quyết toán thuế TNDN?
Đây cũng là chủ đề không ít người quan tâm bên cạnh hạn nộp quyết toán thuế TNDN. Sau khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và phát sinh lỗ, doanh nghiệp có thể chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập của các năm tiếp theo. Cụ thể:
- Xác định số lỗ: Số lỗ là sự chênh lệch âm giữa thu nhập tính thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước. Doanh nghiệp phải chuyển toàn bộ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau. Thu nhập chịu thuế này là thu nhập đã trừ thu nhập miễn thuế.
- Thời gian chuyển lỗ: Thời gian để chuyển lỗ không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Nếu trong thời gian này, doanh nghiệp tiếp tục phát sinh lỗ, số lỗ mới phát sinh sẽ được chuyển lỗ tiếp tục cho tối đa 5 năm từ năm tiếp theo.
- Các điều kiện khác: Doanh nghiệp phải tự xác định và theo dõi số lỗ được trừ vào thu nhập của các năm tiếp sau. Trường hợp có sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế và xác định lại số lỗ, thì doanh nghiệp phải tuân thủ theo kết luận của cơ quan kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm.
- Quá hạn 5 năm: Nếu số lỗ chưa được chuyển hết trong thời gian quy định, số lỗ còn lại sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo.
Ví dụ: Năm 2023, Công ty A có kết quả kinh doanh phát sinh lỗ 10 tỷ đồng sau khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Sang năm 2024, Công ty A có thu nhập chịu thuế là 12 tỷ đồng. Công ty A sẽ chuyển toàn bộ số lỗ 10 tỷ đồng từ năm 2023 vào thu nhập chịu thuế năm 2024. Sau khi trừ đi số lỗ chuyển sang, thu nhập chịu thuế thực tế của Công ty A trong năm 2024 còn 2 tỷ đồng. Làm vậy giúp Công ty A quản lý được số lỗ và giảm bớt gánh nặng thuế cho các năm tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi để công ty có thể hồi phục và tăng trưởng.
Xem thêm:
Thời hạn quyết toán thuế TNDN là một yếu tố quan trọng trong quy trình quản lý thuế của doanh nghiệp. Đảm bảo nộp đầy đủ và đúng hạn giúp doanh nghiệp tránh bị phạt và duy trì tính tuân thủ pháp lý. Để nắm bắt các quy định mới nhất và cập nhật thông tin về thuế, hãy tiếp tục theo dõi trang web của Kế Toán ATS!